Accent Team - Câu chuyện của tập thể

Có người bảo: đội chiến thắng, nói gì cũng được!

NHƯNG câu chuyện dưới đây, không phải về đội vô địch “Chiến dịch Đồi Paragon”, mà về nhóm đội có tính đồng đội tốt nhất, mà cá nhân tôi được tham gia, dù trong thời gian chỉ vài tuần.

Với các thành viên được bốc thăm ngẫu nhiên để vào chung một đội, đến từ cả 5 địa điểm của HTC trên toàn quốc: TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nội. Hầu hết là những người chưa từng làm việc trực tiếp với nhau, lần đầu xin số điện thoại. Thậm chí lần đầu tiên gặp mặt, lần đầu nghe thấy tên.


Với đội hình trộn lẫn ngẫu nhiên từ bắc chí nam, đủ mọi độ tuổi, từ tóc đen tới tóc bạc, đủ mọi phòng ban, cấp bậc trong cty, từ bà bầu tới chú "thương binh”. Với thể hình hầu như không nổi trội, thể lực vừa vừa, kinh nghiệm văn nghệ đa phần chưa từng lên sân khấu. Khi xếp hàng, bị các đội khác trêu là "hàng ngắn nhất" vì nhiều người không đủ sức khoẻ tham gia thi trực tiếp, phải đứng hỗ trợ phối hợp bên ngoài.

Suốt nửa tháng thi đấu, Accent đã phân công, phân nhiệm bài bản nhưng cũng rất tự nhiên, tự nguyện, tối ưu điểm mạnh mỗi người, kể cả những điểm chưa từng được "khai phá" trước đó. Làm nên Accent là đầy đủ “bộ sậu”: Mentor (Người hướng dẫn, dìu dắt), Captain (Tiểu đội trưởng), Warrior (Chiến binh), Organizer (Nhóm tổ chức, hậu cần).

MENTOR – NGƯỜI TRUYỀN KINH NGHIỆM VÀ CẢM HỨNG

Nhiều người bảo: đội hình nhiều lãnh đạo thì khó chiến thắng. Accent là đội duy nhất có tới tận 2 sếp Phó Tổng giám đốc của 2 công ty. Nhưng các anh không đứng ra chỉ đạo, mà lùi lại phía sau, hỗ trợ về chiến thuật và làm chỗ dựa tinh thần cho những đứa em lần đầu được làm chỉ huy.



Sự chuẩn bị kỹ lưỡng luôn đến từ những người giàu kinh nghiệm. Dưới sự dìu dắt của các anh, cả đội nhiều lần họp bàn về chiến thuật tác chiến, lên kịch bản phân vai dài cả trang A4, tính toán đến từng vị trí trong đội hình. Tổ chức phổ biến qua nhiều kênh thông tin cho các chiến binh gần và xa, những người thường xuyên ngồi văn phòng, và những người cả ngày di chuyển bên ngoài.

Phòng tập luyện tổng duyệt, ghép bài (duy nhất một buổi 3 tiếng) mà Accent thuê gấp được, ở xa tít và tắc đường, cả hai anh vẫn lặn lội đến tham gia đầy đủ tới phút cuối cùng, làm tinh thần bọn đàn em càng thêm hừng hực.


Vào thực tế, nhiều tình huống ban đầu phát sinh bất lợi và ngoài kế hoạch do thiếu thông tin, đội rơi xuống vị trí thấp nhất trong cuộc đua, vừa mệt mỏi, vừa tuyệt vọng, cảm giác mất tự tin trầm trọng. Các anh cũng mệt không kém, nhưng luôn động viên, khích lệ, không nửa lời chê trách.

Giữa trưa nắng, nhìn hình ảnh người sếp tóc bạc - đáng tuổi chú bác mình - vẫn cố sức thi đấu (để đội có đủ số người tối thiểu), vẫn trèo tường lửa, trườn dưới dây thép gai, chèo thuyền... anh em thanh niên vừa nhìn, vừa phải cố mà phấn đấu, chỉ với mục tiêu đơn giản chỉ là bứt khỏi vị trí bét bảng.

Khi Accent có thành viên bị chấn thương, khi sếp Phó Tổng giám đốc ngồi dưới nắn chân cho đồng chí Tiểu đội trưởng trẻ, đó là lúc mà sự xa cách thông thường giữa lãnh đạo và nhân viên cấp dưới được xóa bỏ, chỉ còn tình cảm lo lắng giữa những đồng đội, giữa đàn anh và đàn em. Đó là những hình ảnh cảm động nhất mà mỗi chúng tôi – tuy không kịp chụp hình giữa cuộc thi đầy hối hả – nhưng vẫn ghi nhớ trong tim..

Người ta bảo, gừng càng già càng cay, muốn đi xa thì phải hỏi “già". Mentor chính là những người truyền kinh nghiệm và cảm hứng cho Accent. Không có các anh, khó có thể đi đường ngắn nhất tới đích, với một đội hình vốn không có điểm gì nổi bật.

CAPTAIN – TIỂU ĐỘI TRƯỞNG TRẺ TRUNG

Không giống nhiều đội hình kiểu mẫu khác, Tiểu đội trưởng được Accent bầu ra, lại là một trong số những các thanh niên ít tuổi nhất đội. Đây vừa là cơ hội tỏa sáng, vừa là thử thách với một người trẻ tuổi.

Tiểu đội trưởng là một chiến binh đẹp trai, hấp dẫn trong phần thi thể lực, đồng thời, có thể biến hoá thành "cô đôi thượng ngàn" đầy thần thái trong phần thi văn nghệ. Đa tài, biết đủ văn – võ - vẽ, đầy năng lượng và sức sáng tạo.


Những người trẻ, tự tin, thường cũng sẽ có chính kiến và quan điểm riêng. Như mọi tập thể khác, Accent cũng có những lúc mà nội bộ đưa ra các ý kiến trái chiều, những giải pháp và góc nhìn khác nhau. Để thống nhất được, chúng tôi phải học cách lắng nghe, mỗi người thu lại “cái tôi” một chút. Suốt mấy tuần “ăn dầm nằm dề” với nhau, tôi cảm nhận được sự nỗ lực, sự thay đổi bên trong của nhiều người, trong đó, có chính Tiểu đội trưởng.

Đó là khi bạn quyết định thay đổi cách thức phân công vị trí, lắng nghe, tìm cách tối ưu năng lực của mọi thành viên trong đội, thay vì trước đó chỉ tập trung vào một số cá nhân có thể lực tốt. Là khi Tiểu đội trưởng tiếp thu ý kiến của tất cả mọi người – kể cả những người vốn ít kinh nghiệm về biểu diễn, sân khấu hơn, để hoàn thiện thành kịch bản văn nghệ chung, một ý tưởng thực sự thuộc về Tập thể, không của riêng ai. Là khi tranh thủ lúc nghỉ trưa trong ngày tác chiến, Tiểu đội trưởng vẫn cần mẫn đi mượn giấy bút, ngồi viết lại, điều chỉnh sơ đồ thi đấu cho phần thi ban chiều.

Với những người trẻ tuổi như chúng tôi, việc chiến thắng chính bản thân mình, hòa cái tôi vào cái ta, chính là vượt qua thử thách lớn nhất.

ORGANIZER – ĐỘI HẬU CẦN TỔ CHỨC

Trang bị dụng cụ cho các phần thi của Accent đủ để chở bằng nguyên một ô tô bán tải. Lượng đồ nhiều như đi lễ, với một ngân sách giới hạn trong phạm vi đề bài, tạo sức ép không nhỏ cho đội hậu cần tổ chức. Danh sách đồ được liệt kê dài cả trang giấy, đủ từ đi thuê, đi mua, tự chế...


Cô ca sĩ chính xinh đẹp của team, cũng là tiểu đội phó chuyên trách hậu cần, tối nào cũng thấy cô “check-in” lúc 11h đêm ở Hàng Mã, chợ Đồng Xuân, chợ sinh viên... để nhặt từng đồ dù nhỏ nhất, với giá rẻ nhất.

Hai tấm chiếu được trải ra ở tiết mục văn nghệ, được bà bầu 5 tháng của đội, mua từ tận Đông Anh, cho được giá rẻ một nửa. Xong vừa vác bụng vừa vác chiếu, bà bầu đi xe buýt về Hà Nội. Lại có cả đồng chí em trai làm gì cũng nhanh như một cơn gió. Được giao việc mua đồ là đi làm ngay lập tức, quay đi quay lại, đã thấy cậu hoàn thành.

WARRIOR – CÁC CHIẾN BINH

Tất cả thành viên thi đấu trực tiếp của đội đều là các chiến binh, tuân thủ theo sơ đồ chiến thuật và phân công. Đủ cả mồ hôi, máu, và... vết bỏng.

Những lúc giải lao giữa các vòng thi, cả đội không ai bảo ai, người đứng quạt cho đồng đội, người ngồi đấm bóp xoa nắn, người chạy đi tìm chỗ lấy nước. Cảm giác như khi U23 VN bốc tuyết cho Quang Hải đá sút phạt chung kết ở Thường Châu. Tiếc là cuộc thi hối hả, không kịp chụp lại những hình ảnh đẹp đó.

Các chiến binh đội quạt, tập luyện cả tuần, khá muộn sau giờ làm việc - kể cả vào ngày sinh nhật của chính mình, kể cả khi phải bỏ lỡ xe văn phòng đưa đón hàng ngày. Có tới 4 đồng chí nam trong đội lần đầu "được" mặc coocxe giả gái lên sân khấu, phải đánh mắt tô mi, chấp nhận "hi sinh" hình ảnh đàn ông của mình vì cả đội, không thoái thác.

Có người chiến binh già, do bị thương ở chân từ lâu lâu trước đó, nên không đủ sức khỏe thi đấu. Trong phần yêu cầu bắt buộc: chụp 1 bức ảnh tập thể, mà cả đội nhảy, chân không chạm đất, chúng tôi biết, người nỗ lực nhất toàn đội chính là chú “thương binh” này. Các đội khác dễ dàng vài phút để thực hiện xong phần nhảy với những bức hình ấn tượng, nhưng chúng tôi chật vật rất nhiều lần để có thể nhảy cùng một lúc, khi độ tuổi trải dài từ trẻ tới già, với sức bật không đồng đều.

Người “thương binh” ấy cũng thầm lặng làm nhiệm vụ mang vác cho cả đội đồ ăn thức uống, và giữ quyển Sổ thông hành (nếu bị mất, có thể bị hủy kết quả thi đấu). Chúng tôi vẫn đùa, nếu thi về “Người giữ sổ xuất sắc nhất”, Accent chắc chắn chiến thắng, vì công việc hàng ngày của Chú cũng là chuyển các giấy tờ quan trọng từ HTC tới các Ngân hàng. Các chiến binh nhiệt huyết, kỷ luật, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, chính là linh hồn của Accent.

NHỮNG THỜI ĐIỂM ĐÁNG NHỚ

Bức ảnh duy nhất do Accent tự chụp được cho mình, trong hành trình gấp gáp và căng thẳng của Chiến dịch Đồi Paragon. Đó là khi khi toàn đội xuống tinh thần trầm trọng khi vòng đầu bị xếp thấp nhất trong tất cả 10 đội, khởi hành sau cùng tất cả, nhảy chụp ảnh tập thể gần 20 lần mới xong, đi lạc đường vào đồi núi sông suối suốt gần 1,5 tiếng, khiến toàn đội say xe nôn nao. Trong hành trình leo từ số 10 lên số 1, nhớ nhất những lúc cảm thấy tuyệt vọng, mục tiêu chiến đấu chỉ để sinh tồn, thoát khỏi vị trí cuối cùng. Với tôi, bức ảnh toàn đội – mỉm cười khi đang cảm giác “ở dưới đáy” - còn đẹp hơn cả ảnh chụp nụ cười trên sân khấu khi nhận giải thưởng. Đôi khi, quyết tâm để sinh tồn còn mạnh hơn cả nỗ lực giành chiến thắng, chúng tôi may mắn xếp thứ 2 trong phần thi thể lực.


Nếu phần thi thể lực, Accent có đội ngũ mỏng nhất trong 10 đội, thì văn nghệ lại ngược lại, Accent đông đủ thành viên nhất: 16/16 người, ai cũng có vai trò riêng trên sân khấu.

Phần thi văn nghệ của chúng tôi, nhiều người bảo xem không hiểu, dù hết sức ấn tượng, hấp dẫn và “đã mắt”. Nhưng tự mỗi thành viên chúng tôi đều hiểu gốc rễ của ý tưởng này. Đó là kết hợp giữa một bài hát chầu văn dân gian, truyền thống, có thầy mõ, cô đồng “Cô đôi thượng ngàn” với bài nhảy “Baby Shark” siêu nhí nhảnh hồn nhiên của các bé lên ba (kèm theo việc đi phát bim bim cho khán giả!). Đó chính là màu sắc riêng không thể trộn lẫn của Accent: sự kết hợp của người già, người trẻ, đủ mọi độ tuổi, cấp bậc, trải nghiệm khác nhau. Tiết mục biểu diễn văn nghệ, như chính những con người của Accent vậy, đủ màu sắc và luôn biết tôn trọng sự khác biệt, đa dạng.

CHIẾN THẮNG CUỐI CÙNG

Câu chuyện của Accent không phải câu chuyện duy nhất trong Chiến dịch này. Mỗi Tiểu đội, dù họ có viết ra hay không, đều có những câu chuyện của riêng mình, và tất cả đều là câu chuyện của người chiến thắng.

Đó là chiến thắng khoảng cách, sự khác biệt cố hữu trước đó: cấp bậc, độ tuổi, kinh nghiệm, trải nghiệm, khoảng cách địa lý… Các tiểu đội không cạnh tranh trực tiếp với nhau, không đối kháng. Chúng tôi chiến đấu và chiến thắng chính bản thân mình, với cái Tôi mà ít nhiều ai cũng có, với những Giới hạn của bản thân, với Khoảng cách tồn tại trước đó.

Sau cuộc thi, mỗi chúng tôi, mỗi thành viên của HTC, dù thuộc Tiểu đội nào, dù xếp hạng cao hay thấp, cũng đã đều có chiếc Huy Chương chiến thắng cho riêng mình.

Đỗ Thu Nga (Văn phòng TGĐ) - Binh nhì, Tiểu đội Accent