Bài viết của tác giả Âu Mạnh Toàn – TCMS về chuyến đi du lịch tới Hàn Quốc.
Trải qua hơn 3.000 km với hơn 4 giờ bay, chúng tôi đặt chân đến Seoul vào một ngày tháng 6. Trái với cái nóng 40 độ đến nung người của Hà Nội, Seoul chào đón đoàn du khách từ Việt Nam bằng một bầu không khí dịu mát với những cơn gió se lạnh, kèm theo là cái nắng dịu ngọt như mật ong, hứa hẹn một chuyến đi hấp dẫn với nhiều điều thú vị.
Đi thăm hoàng cung Gyongbok
Buổi sáng đầu tiên ở Seoul đón chúng tôi bằng một cơn mưa kèm theo không khí se lạnh, khiến mọi người quên đi hoàn toàn cái oi nóng mang theo từ Hà Nội. Địa điểm tham quan sáng nay là phủ Tổng thống hay còn gọi là nhà Xanh và hoàng cung Gyongbok.
Nhà xanh ở Seoul không cho du khách vào thăm quan bên trong mà chỉ được ngắm từ xa, cả một rừng người đông đúc chen chân đứng chụp, toàn dân Trung Quốc, ước tính phải cả ngàn người.
Hoàng cung Gyeongbok hay còn gọi là Cung Cảnh Phúc – cung điện của ánh sáng và hạnh phúc, là cung điện chính, bề thế, quan trọng nhất nằm ở phía Bắc Seoul, được xây dựng lần đầu vào năm 1394 bởi vua Taejo, vị vua đầu tiên của triều đại Joseon và được tái thiết năm 1867. Đây là cung điện chính và lớn nhất trong năm cung điện gồm Gyeongbok, Changdeok, Changgyeong, Deoksu và Gyeonghui của triều đại Triều Tiên.
Hoàng cung Gyeongbok được xây dựng trên khoảnh đất rộng và bằng phẳng theo quy hoạch làm nơi thiết triều chính của vua chúa Triều Tiên. Đây là biểu tượng cho quyền lực phong kiến của vương triều. Nếu đối chiếu với các kiến trúc kinh thành còn lại ở Việt Nam, Cung Cảnh Phúc tương đương với Điện Thái Hòa tại khu di tích Đại Nội của cố đô Huế.
Hoàng cung Gyeongbok kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên. Khuôn viên vườn cảnh có đình tạ, có hoa cỏ cắt tỉa công phu điển hình cho nghệ thuật vườn cảnh Hàn Quốc. Hoàng cung Gyeongbok không sử dụng quá nhiều màu sắc hay trạm trổ công phu, cầu kỳ như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh mà chỉ sử dụng năm màu cơ bản là xang, trắng, đỏ, đen, vàng, kết hợp với lối kiến trúc đơn giản, vững vàng tạo nên vẻ hài hòa, không quá đối chọi với khung cảnh thiên nhiên nhưng vẫn tạo nên được khí thế hùng mạnh của Hoàng quyền Joseon.
Hoàng cung Gyeongbok liên tục được sử dụng như chính điện của Hoàng gia cho đến khi Nhật Bản xâm lược Triều Tiên lần đầu tiên (1592-1598). Cuộc xâm lược này đã khiến cho hầu hết các cung điện bị hư hỏng nặng. Mãi đến năm 1868, Hoàng cung Gyeongbok mới được xây dựng lại và mở rộng lên 410.000 m2 với hơn 500 toàn nhà. Hoàng cung Gyeongbok mới đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ cho đến năm 1910, khi Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật (1910-1945). Trong khoảng thời gian đó, nhiều phần trong Hoàng cung Gyeongbok đã bị đốt và phá hủy, phần còn lại cũng gần như biến mất hoàn toàn sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chỉ còn lại một phần nhỏ với 15 tòa nhà, 2 tháp canh và 4 cổng. Đến năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thực hiện dự án nhằm khôi phục và xây dựng lại phần Hoàng cung Gyeongbok đã bị Nhật phá hủy trong thời gian chiếm đóng và hy vọng sẽ có thể hoàn toàn phục hồi lại nguyên trạng của Hoàng cung Gyeongbok trong 20 năm tới. Hiện nay, Hoàng cung Gyeongbok đã mở cửa cho khách du lịch tới thăm. Mặc dù cung điện này mới chỉ phục hồi được khoảng 40% nguyên trạng nhưng du khách vẫn có thể thấy được rất nhiều điều thú vị khi tới nơi đây.
Tới đảo Nami đi tìm Bản tình ca mùa đông
Thời gian lý tưởng nhất để đến với Nami là mùa thu, khi những tán cây ngân hạnh bắt đầu chuyển màu. Nhưng có rất nhiều bạn trẻ tại Hàn Quốc thích ghé thăm địa điểm du lịch này vào mùa hè, khi những làn gió mát khiến không khi bớt oi nồng.
Phong cảnh tự nhiên trữ tình thơ mộng, thời tiết chan hòa tất cả các mùa trong năm. Khu trung tâm đảo là một bãi cỏ xanh mướt rộng 260.000 km2 với những cây hạt dẻ và bạch dương bao quanh. Ngoài ra, một vườn thú, một vườn bách thảo, một chiếc hồ rộng với những chiếc thuyền mộc nho nhỏ và nhiều khu vui chơi giải trí khác sẽ mang lại cho bạn nhiều thú tiêu khiển nhẹ nhàng. Tất cả hệ thống dây điện và dây cáp đều được đặt dưới lòng đất để bảo đảm vẻ đẹp tự nhiên nhất cho đảo. Việc cấm ô-tô ra vào sẽ mang lại cho du khách một không gian yên tĩnh và thanh bình đến tuyệt đối, không tiếng động cơ, không khói bụi, tránh xa những hỗn tạp bụi bặm hàng ngày.
Đảo Nami rất nổi tiếng với những hàng cây cổ thụ chạy dài thẳng tắp; đặc biệt là con đường dài với hai hàng cây thơ mộng đã xuất hiện trong series phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng “Bản tình ca mùa đông”. Tại con đường này hiện vẫn còn bức tượng của hai nhân vật chính trong phim và hình ảnh của họ vẫn tràn ngập khắp nơi trên đảo. Sau khi bộ phim này được trình chiếu, nhiều người biết đến với đảo Nami hơn, đặc biệt các đôi tình nhân thường ghé thăm hòn đảo này vào dịp cuối tuần, thưởng thức những món ăn đơn giản và nghỉ ngơi thư giãn. Nhiều cặp vợ chồng mới cưới cũng đã chọn nơi đây làm điểm nghỉ tuần trăng mật đặc biệt của mình.
Everland: Thiên đường mặt đất
Công viên Everland tọa lạc ở Yongin, tỉnh Gyeonggi, cách thủ đô Seoul một giờ xe bus. Tiền thân của công viên Everland là “Nông trại Yongin”. Tên tiếng anh Everland mang ý nghĩa sự sáng tạo, đột phá luôn khiến du khách bất ngờ (“Ever” ngụ ý về sự tràn đầy năng lượng và vĩnh cửu, còn “land” ngụ ý thể hiện tính thiên nhiên). Công viên mở cửa từ 10h sáng đến 9h tối các ngày trong tuần. Giá vé dành cho người lớn là 40.000 won (tương đương 800.000 đồng), giá vé cho trẻ em là 31.000 won (tương đương 620.000 đồng). Giá vé khá cao, kể cả đối với người Hàn Quốc, song người chơi sẽ được chơi tất cả các trò chơi trong công viên.
Ấn tượng Seoul: Kẹt xe trên cao tốc
Cao tốc ở Seoul có nhiều làn, ít nhất là 5-6 làn gồm 1 làn xe khách chạy ngoài cùng bên trái, 3-4 làn xe con và 1-2 làn trong cùng bên phải là hỗn hợp xe tải, xe con. Bên Hàn họ tuân thủ luật giao thông rất nghiêm ngặt, không thấy họ đi lấn làn, hay vượt ẩu dù phía làn khác không có xe đi. Tốc độ cho phép được chạy trên cao tốc của họ cũng không cao, khoảng 110-120km/h. Bên họ ngày nào cũng kẹt do lượng xe quá đông, cảnh sát giao thông hầu như không có, họ giám sát bằng hệ thông camera, gửi phiếu phạt về tận nhà hoặc công ty nơi đăng ký xe.
Theo Tạp chí Chuyển động TC MOTOR