Tản mạn chuyện Tết xưa & nay

Không nói quá xa xôi chỉ khoảng chừng 20 năm về trước, để chuẩn bị cho những ngày Tết, các gia đình tất bật trước đó đến hàng tháng. Nhưng nay cùng với sự phát triển của xã hội và cuộc sống của người dân cũng có phần khá giả hơn, Tết nguyên đán cũng đã có phần thay đổi.

Chuẩn bị đón Tết

Với người Việt thì Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức là ngày ông Táo lên chầu trời. Ông Táo được coi là vua bếp, người trông coi việc trong gia đình. Bởi thế dù giàu hay nghèo, gia đình nào vào ngày này cũng chuẩn bị mâm cơm cúng ông. Mâm cơm cúng thì cũng tùy vào hoàn cảnh gia chủ mà có thể ít hay nhiều nhưng mũ, áo giấy và cá chép thì ai cũng phải có.

Ngày nay, cuộc sống bận rộn hơn, nhiều gia đình cũng đã đơn giản hóa việc làm cơm cúng, thay vào đó là mua đồ chế biến sẵn và bởi cá chép giờ đây không còn dễ thả ra sông hồ như trước nên người ta cũng thay cá sống bằng cá giấy.

Sau khi tiễn ông Táo lên trời, cũng là lúc dọn dẹp trang hoàng lại nhà cửa. Ngày xưa có tục dựng cây nêu, bởi người ta tin rằng những vật treo trên cây nêu sẽ báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây có người. Bên cạnh đó, vào buổi tối người ta treo chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà chơi với con cháu.


Nay thì phong tục này chỉ còn một số nơi giữ được. Ở các thành phố lớn, đất chật người đông, lại thêm các chung cư cao tầng mọc lên như nấm cũng chẳng còn đâu đất mà dựng cây nêu ngoài cửa. Nhưng một vài năm trở lại đây, thấy rộ lên phong trào mua mía để tượng trưng thay cho cây nêu, cũng hay hay.

Thói quen mua sắm Tết vẫn được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay. Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết các gia đình đều đi chợ quê sắm sửa quần áo, đồ dùng, thực phẩm. Nếu ở Hà Nội, những con phố cổ như hàng Ngang, hàng Đào luôn luôn tấp nập người qua lại.

Ngày nay, người dân chọn cách mua sắm Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả cũng phải chăng.

Những món ăn chơi ngày Tết

Tục chơi hoa Tết cũng là một trong những phong tục cầu kỳ, thể hiện sự tinh tế của người Việt. Đặc biệt đối với ông bà ta thì để có một lọ hoa đẹp, một chậu kiểng đẹp ngày Tết cũng lắm công đoạn cầu kỳ. Trên bàn thờ gia tiên nhất thiết phải có bông vạn thọ, trường xanh hay lọ hoa huệ. Trong nhà thì phải có lọ hoa thược dược đủ màu tượng trưng cho những điều ước mong một năm mới khoẻ mạnh và trường thọ với nhiều niềm vui.

Ở mỗi vùng miền, hoa chưng cũng khác nhau, ví như miền Nam thích mai vàng, còn miền Bắc lại chuộng hoa đào, nhiều gia đình ngoài hoa chính là đào và mai còn có thêm chậu quất. Người ta quan niệm rằng, quất càng sai quả thì năm đó gia chủ càng có nhiều lộc. Cho đến nay, tục lệ chơi hoa và quan niệm cũ vẫn tồn tại nhưng bên cạnh một số loài hoa truyền thống thì ngày càng có nhiều hơn những loại hoa mới. Những loại này có tây có ta, có ngoại nhập và có lai giống…tất cả góp phần làm cho ngày Tết thêm nhiều màu sắc.


"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa để đốt, thì ngày nay pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn ở các địa điểm lớn, người dân háo hức đi chơi sớm, tìm những địa điểm đẹp nhất để ngắm pháo hoa. Ngày nay, pháo hoa được thay thế trong đêm giao thừa.

Tết xưa dân dã giản dị với những hộp mứt Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Hộp mứt tết bìa các tông được gói gém đơn sơ, bên trong có chút ít mứt bí, mứt dừa, mứt lạc hay quả táo tàu vốn được coi là hàng "sang" thời bao cấp. Tết ngày nay những hộp mứt Tết được cách điệu ngày càng sang trọng, nhiều gia đình còn chọn cách làm mứt Tết tại nhà để đảm bảo an toàn, độ ngon miệng cũng như màu sắc đẹp mắt. Bên cạnh những hộp mứt Tết, thì những giỏ quà Tết sang trọng cũng được nhiều gia đình chọn lựa để làm quà. Mứt Tết ngày nay đa dạng cả về mẫu mã, sản phẩm, hương vị, màu sắc.


Bánh chưng là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Người Việt xưa quan niệm bánh chưng âm giành cho Mẹ, bánh dầy dương giành cho Cha. Bánh chưng bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Đến nay dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi song tục lệ truyền thống này vẫn được duy trì, tuy nhiên việc gói bánh chưng thì đã khác xưa. Nếu như trước kia để có bánh chưng nhà nào cũng phải tự gói tự luộc thì nay dịch vụ hàng quán đã làm thay việc đó. Nếu như trước kia việc chuẩn bị gói và luộc bánh chưng là công việc cả gia đình cùng xúm vào làm vui vẻ thì nay niềm vui đó không còn nữa bởi chỉ cần tạt qua chợ là có thể có ngay vài cặp bánh.

Đi đâu ngày Tết?

Tết là dịp để mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp, đây cũng là khoảng thời gian bày tỏ sự yêu thương, kính trọng đối với bố mẹ, ông bà, tổ tiên… Bởi vậy mà người xưa có câu “Mồng một là Tết nhà cha”. Sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. “Mồng hai nhà mẹ”, cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy, sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình. “Mồng ba Tết thầy”, sau công ơn của cha mẹ sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên đạo đức của một con người.


Ngày nay, nhiều người, nhiều gia đình coi dịp Tết đơn giản là kì nghỉ kéo dài hơn mọi khi, do đó họ chọn lựa việc đi du lịch thay vì ở nhà sum họp. Kết quả này cũng dễ hiểu bởi suốt cả năm ai cũng vất vả làm việc, đi du lịch cũng là giải pháp giúp xả stress cũng như phục hồi sức khỏe. Nhưng có lẽ, việc đi xa cũng đã làm phai nhạt phần nào sự ấm cúng truyền thống của những ngày Tết năm xưa.

Ngọc Linh