[Mùa thu tôi yêu] Hoài niệm về cái tết Trung thu xưa

Với tôi, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, bởi cái không khí mát lạnh, dịu dàng, dễ chịu đến “nhu mì” của nó. Mùa thu vàng mỏng manh thay đổi qua từng cành cây, chiếc lá, khiến con người ta phải xao lòng về những kỉ niệm, những ký ức một thời.

Mỗi độ thu sang, bao ký ức trong tôi cứ thế theo nhau ùa về. Để nói về kỉ niệm mùa thu thời niên thiếu của tôi ở quê thì nhiều lắm, mùa thu – mùa của ngày tựu trường, mùa thu – mùa của Tết đoàn viên, mùa của những câu truyện “chú Cuội, chị Hằng trên cung trăng” mà các bà, các mẹ hay kể cho con cháu nghe mỗi độ Rằm Trung Thu về, mùa mà có những năm chị em chúng tôi dắt ríu nhau lội mưa, lội lũ đi nhận quà Trung thu tại sân trại văn hoá ở mỗi thôn…


Ngày xưa, Rằm trung thu thường được gọi là Tết trung thu, Tết đoàn viên. Là ngày hội lớn trong năm của đám trẻ con chúng tôi. Cái thời trẻ em còn chưa biết đến các trò chơi điện tử, các thiết bị điện tử như Smartphone, notebook, hay các trò chơi công nghệ như thế hệ trẻ em bây giờ.

Nhà tôi nghèo lắm, ông bà nội tôi mất sớm trong kháng chiến, bố tôi chăm lo cho các cô chú trong thời gian dài, mọi người đã lập gia đình và có con cái rồi bố tôi mới gặp mẹ tôi và kết hôn. Bố tôi vẫn thường kể cho chị em tôi nghe về cuộc sống bươn trải của bố và mẹ thời kỳ xã hội vừa đi qua thời bao cấp ấy. Hằng năm, gần đến ngày Tết trung thu là chị em chúng tôi lại xin bố mẹ cho đi tập văn nghệ ở xóm, và háo hức chờ đón bố mẹ mua quà “bánh nướng, bánh dẻo”, rồi lại ngồi tỉ mẩn làm những chiếc “đèn ông sao”, “đèn kéo quân, đèn lồng”… cho riêng mình, để chờ đến đêm trăng rằm đi rước đèn khắp thôn xóm cùng chúng bạn, để cùng nhau thi ca hát tại các “sân trại thu” được cắm trong các sân đình làng mỗi thôn xóm.


Thời ấy, mỗi dịp Tết trung thu là bố mẹ tôi lại mua 01 hộp bánh trung thu có 02 chiếc bánh (01 bánh nướng, 01 bánh dẻo) để bày ban thắp hương các cụ và để gia đình tôi (ước tính đến gần chục người) phá cỗ đêm trăng Rằm tháng tám cho có không khí. Còn bố sẽ chặt một đoạn tre tươi để chẻ những thanh nan mỏng manh, được ông vót gọt cẩn thận đủ mềm dẻo, cứng cáp cùng một tập giấy màu bóng kính màu đỏ, một lọ hồ dán giấy để làm cho chị em chúng tôi mỗi đứa một chiếc “đèn ông sao” thủ công để đón Tết. Thế mà vẫn đủ đầy và vui không tưởng.

Còn Trung thu ngày nay, trên đường tôi đi làm, đi chợ, đều thấy họ bày bán các loại lồng đèn bằng điện, các sản phẩm đồ chơi bằng nhựa nhưng mang tính chất bạo lực cho con trẻ như kiếm, gươm, súng… nhiều vô kể. Trẻ con thời nay chẳng còn háo hức thắp nến, rước đèn đêm trăng rằm như xưa nữa. Những chiếc bánh trung thu đa dạng về mẫu mã, chủng loại được bày bán khắp nơi không còn mang ý nghĩa thiêng liêng trên mâm cỗ rằm theo phong tục truyền thống của mỗi gia đình ngày xưa nữa. Thay vào đó nó mang tính chất thương mại hoá hơn, giống như một món quà, một tặng phẩm cho những mối quan hệ trong xã hội mà thôi. Mọi người mua bánh để tặng nhau, để trưng bày cho có phong trào thì nhiều, còn có mấy người thật sự muốn ăn đâu, vì sợ mang bệnh vào người. Lý do cũng vì cái phương thức làm bánh của những thương nhân, chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ theo tiêu chuẩn chất lượng “An toàn vệ sinh thực phẩm”.

Dần theo thời gian, tết Trung thu có còn có bánh Trung thu để ăn nữa hay không, dù có dù không cũng không còn quan trọng nữa. Tháng ngày qua đi, tuổi thơ dần đi qua nhưng nó không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí mỗi chúng ta mà nó càng hiện hữu mỗi khi ta nhớ lại, mỗi khi “thu sang” – mùa ký ức lại ùa về. Có một điều tôi tin chắc rằng: “Trẻ con thời nay sẽ không bao giờ biết được cái hay, cái thú vị của Tết trung thu những năm tháng cũ mà thế hệ chúng tôi đã được đi qua”.

Thời gian ơi, cho tôi xin “một vé” quay về tuổi thơ! Tôi vẫn xin một lần sống lại trong giấc mơ hoài niệm ấy, để đo được chiều dài ký ức của tuổi thơ, nơi có các thành viên thân yêu trong gia đình tôi cùng nhau lớn lên trong những ngày cơ hàn nhưng đượm tình thương yêu.

Tác giả: Đỗ Thị Thu Huyền
Đơn vị: Nhà máy xe khách xe Bus