Nhiều ngành sản xuất lo ngại dịch viêm phổi cấp từ chủng vi-rút corona mới (Covid-19) kéo dài dẫn đến hoạt động bị đình trệ hoặc ngừng do thiếu nguồn cung từ chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng toàn cầu. Ngành Ô tô cũng không ngoại lệ, nhưng đó lại là một trong những lý do thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, từng bước trở thành những OEM toàn cầu (Original Equipment Manufacturer – Nhà sản xuất phụ tùng gốc).
Khan hiếm nguồn cung do dịch bệnh
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17,54%), từ Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%), và từ Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%). Các dòng xe Hyundai của Tập đoàn Thành Công, Kia của Thaco Trường Hải hiện chủ yếu nhập khẩu linh phụ kiện từ Hàn Quốc, Ấn Độ. Còn đối với các dòng xe thương hiệu Toyota, Honda, Ford thì nhậps linh phụ kiện từ Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gặp khó khăn do thiếu hụt linh phụ kiện nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số nhà sản xuất ô tô và linh kiện ô tô tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã phải tạm đóng cửa hoặc có nguy cơ tạm đóng cửa.
Việt Nam đã có một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp Ô tô, nhưng phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài (Nguồn: Internet).
Trước đó vào giữa tháng 2/2020, đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô tải ở Củ Chi (TP. HCM) cho biết trung bình đơn vị đưa ra thị trường hơn 100 xe tải/tháng. Nhưng kể từ khi dịch xảy ra, công ty này không thể nhập linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc. Doanh nghiệp này cố gắng cầm chừng hết tháng này, nhưng nếu không khôi phục được nguồn hàng, họ có nguy cơ dừng sản xuất.
Với con số lên tới 80% linh kiện sản xuất một chiếc ô tô tại Việt Nam phải nhập khẩu, ngành công nghiệp ô tô trong nước đang cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung linh phụ kiện từ bên ngoài. Điều này đưa đến cho doanh nghiệp ô tô Việt bài toán phải mau chóng làm chủ công nghệ để chủ động hơn nguồn cung ứng đầu vào. Đây cũng là giải pháp căn bản để giảm giá thành xe so với các nước trong khu vực.
Cơ hội lớn nếu cởi nút thắt cơ chế
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết như vậy khi trao đổi về các chính sách hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành ô tô.
Ông Hoài nói: “Trong bối cảnh chuyển dịch dòng vốn đầu tư và sự thay đổi các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các dự án sản xuất ô tô lớn, đặc biệt là các dự án ô tô điện. Do đó, nếu Nhà nước có các chính sách hợp lý, ngành công nghiệp ô tô có thể tận dụng lợi thế”.
Bản thân các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng nhận thức được điều này nên đã mạnh dạn đề xuất nhiều chính sách với Chính phủ, đặc biệt liên quan đến chính sách miễn giảm thuế linh kiện, phụ tùng nội địa. Bởi như đã biết, nếu tự sản xuất được linh kiện sẽ vừa góp phần giảm giá thành sản xuất ô tô, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cho ngành phụ trợ ô tô trong nước.
Các dòng xe lắp ráp trong nước như Hyundai sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm 50% thuế trước bạ đã được Chính phủ quyết định áp dụng trong năm 2020 để kích cầu thị trường sau dịch Covid-19.
Được biết, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng nhập khẩu, còn với phần giá trị linh kiện sản xuất trong nước sẽ không tính thuế. Chính sách này nhằm mục đích vừa thúc tăng tỉ lệ nội địa hóa vừa thúc đẩy các doanh nghiệp ô tô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước. Nếu được thông qua trong thời gian tới, giá xe sẽ giảm, tạo điều kiện cho dung lượng thị trường tăng, thúc đẩy sản xuất.
Thực tế, năng lực sản xuất các linh phụ kiện phụ tùng ô tô của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cải thiện rõ nét. Trong năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt kỷ lục 5,645 tỷ USD, cao hơn nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giúp nhóm mặt hàng phụ tùng ô tô của Việt Nam đứng vị trí thứ 8 trong nhóm 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất hiện nay. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô từ Việt Nam đều là các quốc gia có nền công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới như: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Cơ hội bứt phá cho TC MOTOR
TC MOTOR là cái tên không hoàn toàn mới trên thị trường sản xuất Ô tô tại Việt Nam. Bởi nó thực chất là khối ô tô của Tập đoàn Thành Công vẫn đang hoạt động từ trước đến nay và được biết đến nhiều thông qua thương hiệu Hyundai Thành Công. Sau 10 năm hợp tác với Tập đoàn Hyundai, Tập đoàn Thành Công đã đạt doanh số xe du lịch Hyundai năm 2019 là … xe chiếm 22% thị phần xe du lịch tại Việt Nam. Ngoài ra, thay vì nhập khẩu nguyên chiếc, Tập đoàn Thành Công cũng đã chuyển dịch thành sản xuất lắp ráp gần 100%…
Chính thức ra mắt từ tháng 7/2019, TC MOTOR tham gia vào bốn lĩnh vực, gồm: R&D và sản xuất (ô tô Hyundai & các thương hiệu khác); Phân phối (hệ thống phân phối thương hiệu Hyundai và các thương hiệu khác); Bán lẻ (hệ thống đại lý xe Hyundai & các hệ thống bán lẻ xe thương hiệu khác) và Dịch vụ (hoạt động cung ứng linh kiện, phụ tùng chính hãng, các dịch vụ vận tải – hạ tầng trong nước, quốc tế).
TC MOTOR sở hữu nhà máy sản xuất – lắp ráp ô tô với hệ thống robot tự động hiện đại bậc nhất Đông Nam Á.
Vai trò của TC MOTOR không chỉ chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Tập đoàn Thành Công thông qua việc quản lý, giám sát các đơn vị trong khối Ô tô thuộc Tập đoàn, mà còn tham mưu cho Tập đoàn trong việc xây dựng, tổ chức triển khai chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, mở rộng trong khối.
Đối với các đơn vị thành viên trong khối Ô tô, TC MOTOR giúp đảm bảo thông suốt, rõ ràng và minh bạch vai trò đầu tư, quản trị, giám sát và điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý và tính kịp thời trong việc điều hành và ra quyết định, đồng thời tạo sự liên kết giữa các đơn vị trong ngành. Từ đó gia tăng giá trị trong toàn bộ hệ sinh thái Sản xuất – Kinh doanh ô tô của Tập đoàn.
Việc đưa mô hình tổ chức mới vào vận hành cùng sự ra đời của công ty quản lý ngành, TC MOTOR tham vọng sớm trở thành thương hiệu số 1 trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, từng bước tham gia vào hoạt động cung ứng linh kiện, phụ tùng chính hãng hay nói cách khác là một nhà OEM sản xuất linh kiện, phụ tùng của ngành công nghiệp phụ trợ ô tô. Không chỉ dừng lại tại thị trường trong nước, TC MOTOR hướng đến những giá trị lớn hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng giá trị ô tô toàn cầu và tiến đến xuất khẩu.
Những chiếc xe Hyundai do TC MOTOR lắp ráp trong nước hiện đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn toàn cầu khắt khe của hãng xe Hàn Quốc.
Tham vọng trên hoàn toàn khả thi nếu biết trong năm 2020, ngoài dự án mở rộng nhà máy tại Ninh Bình, TC MOTOR sẽ phát triển và xây dựng hệ thống quản lý sản xuất riêng của TC MOTOR (“Thanh Cong Manufacturing System”), với các mục tiêu như: Tiêu chuẩn hóa, Cải tiến liên tục, Đảm bảo chất lượng, Rút ngắn thời gian…, đồng thời chủ trì triển khai các dự án mở rộng sản xuất như dự án Quảng Ninh 1, dự án Quảng Ninh 2…, hướng tới đưa vào vận hành các nhà máy mới trong năm 2021. Nếu được cởi nút thắt cơ chế từ Chính phủ, TC MOTOR được dự báo sẽ còn bứt phá nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới.
Như vậy, cùng với sự đầu tư ngày càng mạnh tay của các ông lớn trong nước khác như Thaco, hay ‘tân binh’ VinFast, những bước đi tiếp theo của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ rất đáng chú ý, qua đó từng bước đưa ngành này trở thành ngành công nghiệp xương sống của đất nước đúng như vị thế vốn có của nó.
Minh Tâm